Quy trình chăm sóc và bón phân cho Dưa Hấu
Để có những vụ mùa dưa hấu đạt năng suất và chất lượng cao cần có quy trình chăm sóc và bón phân hợp lý mang lại hiệu quả thực tế cao.
1. Đất trồng dưa hấu
Dưa hấu có rễ mọc sâu, chịu úng kém, chịu hạn khá nhất là khi cây đã trổ bông, đậu trái. Cây không yêu cầu đất quá tốt, chỉ cần chọn đất thoát nước tốt, tầng canh tác sâu, không quá phèn. Các vùng đất cát gần biển, đất phù sa ven sông lý tưởng để trồng dưa hấu, chỉ cần chú ý tưới nước và bón phân. Đất cát pha tơi xốp, nhiệt độ đất dễ tăng cao, thoát nước nhanh có lợi cho bộ rễ phát triển, chất lượng dưa tốt, chăm sóc đỡ tốn kém.
Dưa hấu không nên trồng liên tục trên một mặt đất, dễ thất bại vì nguồn bệnh trong đất tích tụ lại sau mõi vụ, như bệnh chạy dây, nứt thân, thời gian cách ly trồng dưa hấu càng lâu càng tốt. Đối với đất ruộng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nơi bị ngập nước trong mùa lũ (huyện Châu Phú tỉnh An Giang, huyện Thốt Nốt, Ô Môn tỉnh Cần Thơ) được phù sa bồi đắp mới trồng dưa hấu rất tốt vì ít bị sâu bệnh phá hại nghiêm trọng.
Đất trồng dưa nên cao, thoáng không bị bóng râm che, không bị gió bão, chịu được pH hơi phèn trong phạm vi pH 5-7, để hạn chế bệnh nứt thân nên trồng ở pH 6-7 và nhiệt độ trên 26oC.
2. Chuẩn bị đất trồng dưa hấu
Chọn đất ruộng trồng dưa hấu cần có tầng canh tác dầy, tơi xốp, không nhiễm phèn mặn, dể thoát nước, mực nước trong mương tưới phải thấp hơn mặt liếp ít nhất 15 cm. Ngoài ra, cũng có thể trồng dưa hấu trên đất gò, đất liếp, bờ kinh miễn sao có đầy đủ nước tưới tiêu.
Phần lớn dưa hấu được trồng trên đất ruộng, kiểu liếp phổ biến nhất hiện nay là liếp đôi. Bề mặt liếp từ 4m tới 6 m.
Xử lý đất với vôi bột 50 kg/1.000 m2 trước khi xắn liếp 5-7 ngày. Đất được đào rảnh sâu 1 lớp leng, và ốp lên từng lớp mõng để cho đất mau khô và dể tơi ra, mương đào rộng 30-50 cm. Đất đào được bỏ lên 2 bên tạo thành liếp dưa rộng 80-90 cm. Để có dưa tết, trái lớn nên làm làm liếp rộng hơn, khoảng cách giữa 2 tim mương khoảng 6-7 m và bề rộng liếp trồng dưa 1m, liếp cao 30-40 cm. Mùa mưa, trồng các loại dưa F1 chất lượng cao quanh năm (khác với dưa chưng tết) thường trái nhỏ khoảng cách giữa 2 tim mương 4-4,5 m. Nhưng để tăng năng suất trái dưa hấu có thể trồng dầy bằng cách rút ngắn khoảng cách giữa 2 tim mương xuống còn 3,5 m.
3. Mùa vụ trồng dưa hấu
Dưa có khả năng thích nghi rất lớn với điều kiện thời tiết nên có thể mở rộng thời vụ gieo trồng quanh năm, tuy nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long hình thành các vụ chính trong mùa nắng như sau:
Dưa Noel: Gieo từ 20/9 đến 1/10 dương lịch, giai đoạn mới trồng gặp mưa cuối mùa dễ bị hư hại cây con.
Dưa hấu tết: Gieo hạt khoảng 5-15/10 âm lịch, năm nay tương ứng với 23/11-3/12 dương lịch, thu hoạch vào dịp tết Nguyên Đán. Vụ này thời tiết thuận lợi cho sự ra hoa, đậu trái nhưng dễ bị bù lạch gây hại do chúng lan truyền từ vụ dưa hấu Noel.
Dưa Hè thu: Gieo trồng trong suốt mùa mưa, thích hợp ở một số vùng đất cao (Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh..) hoặc có đê bao vững chắc.
4. Xử lý hạt giống dưa hấu
Đề phòng bệnh do nấm khuẩn có sẳn trong hạt hặc tấn công cây con lúc mới gieo nên trộn hạt với thuốc trừ nấm trong 1-2 giờ. Để giúp hạt giống nẩy mầm nhanh và đều nên ủ cho nẩy mầm trước khi gieo. Bằng cách đem hạt phơi ngoài nắng nhẹ vài giờ, rồi ngâm hạt trong nước ấm pha tỉ lệ 2 sôi + 3 lạnh khoảng 2-3 giờ, chà rửa sạch nhớt, dùng vải gói hạt đem vùi trong tro trấu hoặc rơm rạ, nơi có ánh nắng đầy đủ, tưới nước giữ ẩm thường xuyên, sau 36-48 giờ hạt sẽ nhú mầm.
5. Cách gieo hạt giống dưa hấu
Có 2 cách gieo hạt:
Gieo hạt thẳng:
Lượng hạt giống 80-100 g/1.000m2 đất. Gieo 2 hạt/lổ, sâu 1-2 cm, phủ tro trấu hay rơm, khi cây mọc 3-4 lá tỉa chừa 1 cây. Những năm ít mưa hoặc mưa dứt sớm, có thể
ủ hạt nẩy mầm trước khi gieo thẳng trên liếp.
- Ưu điểm: Gieo thẳng rễ mọc sâu, cây sinh trưởng rất mạnh không bị mất sức.
- Khuyết điểm: Khó chăm sóc, gặp mưa to cây con bị hư nhiều.
Gieo trong bầu:
Cần 50 -60 giống/1.000m2 đất. Bầu có thể làm bằng lá chuối, lá dừa, chiều ngang 5 cm, chiều cao 7 cm, hoặc dùng bọc nilon có đục lổ thoát nước. Chất liệu để vô bầu gồm đất mịn, phân chuồng hoai, tro trấu tỉ lệ bằng nhau. hạt dưa ủ nẩy mầm rồi gieo vào bầu, sau đó xàng tro trấu lắp hạt. Nếu gieo trong bầu lá chuối, nền phải đổ một lớp tro trấu dầy 5-10 cm để tránh đứt rễ khi nhổ vì bộ rễ phụ dưa hấu tái sinh kém.
- Ưu điểm: Gieo bầu cây sinh trưởng đồng đều, ít hao cây con, tranh thủ thời gian làm đất kỹ lưỡng
- Khuyết điểm: Tốn công làm bầu, rễ không phát triển sâu
Khi cây lên đều khoảng 80% thì loại bỏ những cây con mọc chậm. Cần dự trù 10-15% bầu để trồng dặm.
6. Bón phân cho cây dưa hấu
Tổng lượng phân cho 1.000m2: 50-80 kg vôi + 7 -10kg Entec 25-15, 80 – 100kg Spectrum 20-20-15 + 5 -7kg korn kali + 5kg lân.
Tùy thuộc vào mức độ phèn của từng vùng đất mà đưa ra lượng phân tối ưu nhất.
Cách bón:
Bón lót: Toàn bộ vôi, lân, Korn Kali, 1/3 Entec 25-15 và 1/2 Spectrum 20-20-15. Sau khi bón lót xong tiến hành trải mũ và tiến hành gieo trồng dưa hấu.
Bón nuôi trái: Tùy thuộc vào sự phát triển của dưa (tốt hay xấu) mà đưa ra thời gian bón thích hợp nhất . Nếu dưa chậm phát thì khoảng 25 ngày ta bón, còn dưa tốt quá thì khoảng 30 – 35 ta tiến hành dỡ mũ và bón toàn bộ lượng phân còn lại.
Lưu ý:
– Khi ngọn dưa chưa bò ra khỏi màng phủ cần chặt nhánh cây có chán ba ghim xuống đất thủng màng phủ để giữ ngọn dưa.
– Để màng phủ sử dụng được lâu không nên đi trên mặt líp khi đã phủ và sau khi thu hoạch dưa cần xếp gọn, cất trong mát.
– Khi bón phân lần 2 lưu ý dỡ mũ bón các gốc tầm 15 -20cm ngược váo trong mặt liếp.
– Ruông dưa phải khô ráo chỉ cho nước lên khi tưới dưa và sao đó xả nước xuống tránh làm úng dưa và tạo điều kiện cho bệnh phát triển ( Thúi đồng tiền….)
– Trong quá trình gieo trồng bị mưa ngập nước thì nên tưới thêm dưỡng rễ hoặc phun để cây mau phục hồi.